LỄ ĂN HỎI QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO

Lễ ăn hỏi – rước dâu là khâu quan trọng và có nhiều chi tiết phức tạp nhất trong phong tục đám cưới truyền thống Việt Nam. Bạn có biết lễ rước dâu gồm những gì và đôi bên gia đình cần chuẩn bị ra sao để nghi thức này diễn ra hoàn hảo nhất không? Với kinh nghiệm nhiều năm đạo diễn, setup, xin được chia sẻ với các Dâu nhé.

1. Đón nhà trai

Đúng giờ Hoàng Đạo như đã bàn trước, nhà trai (gồm chú rể, người thân và đội bưng quả) sẽ xuất hiện tại nhà gái. Đôi bên gia đình nên bàn bạc kỹ lưỡng để có chỗ đậu xe gọn gàng, đặc biệt là khi nhà gái nằm ở vị trí giao thông bất tiện.

2. Trao quả và nhận quả

Khi nhà trai tiến vào, chú rể và chủ hôn sẽ đi đầu, kế tiếp là đội bưng quả. Đội nhận quả của nhà gái đứng xếp thành hàng ngang, mặt đối mặt với đội bưng quả từ nhà trai. Khi có hiệu lệnh từ chủ hôn, đội bưng quả sẽ truyền các tráp quả sang cho nhà gái. Khoảnh khắc này có thể kéo dài trong 3 – 5 phút để phục vụ mục đích chụp ảnh kỷ niệm.

Cuối cùng, đội nhận quả nhà gái bưng các khay lễ tới phòng thờ gia tiên và đặt dưới bệ thờ. Người chủ hôn từ nhà trai sẽ xin phép mở nắp tráp và giới thiệu chi tiết lễ vật trong từng tráp.

3. Cô dâu ra mắt

Sau màn trao và nhận quả, nhà gái sẽ dẫn cô dâu từ khuê phòng riêng ra ngoài để thực hiện màn ra mắt. Cô dâu cúi đầu chào người lớn trong hai bên gia đình và đứng cạnh cha mẹ mình.

4. Làm lễ gia tiên tại nhà gái

Cô dâu và chú rể cùng làm lễ bái gia tiên. Nén hương đầu thường do một người nam đứng đầu nhà gái dâng lên. Ở một số vùng nhất định có thể có thêm bước đốt đèn long phụng. Sau khi hương đã dâng lên thì cô dâu và chú rể bắt đầu khấn vái, lạy trước bàn thờ.

5. Trao nhẫn cưới và trang sức

Sau phần làm lễ gia tiên, chú rể sẽ trao nhẫn đính hôn cho cô dâu. Đây có thể là nhẫn riêng hoặc đồng thời là nhẫn cưới tùy vào tình hình tài chính của hai nhà. Mẹ chồng hoặc đại diện nhà chồng sẽ trao thêm một số nữ trang khác (vòng tay, dây chuyền, hoa tai…) và tiền vàng từ nhà trai cho cô dâu.

Tiếp đến, các đại diện bên nhà gái sẽ trao quà cùng những lời nhắn nhủ cho cô dâu trước khi nàng xuất giá.

6. Nhà gái trả quả

Sau khi hai nhà cùng dùng tiệc trà rượu, nhà gái sẽ tiến hành trả quả cho nhà trai. Thông thường, nhà gái sẽ lấy một nửa số lễ vật và trả số còn lại trong tráp quả cho nhà trai. Nếu tráp quả có nắp đậy thì cần lật ngược nắp, nếu phủ khăn thì vất một vạt khăn qua để lộ bên trong tráp. Hành động này có nghĩa là nhà gái đã nhận quả từ nhà trai. Song song với bước trả quả, nhà gái có thể lì xì cho đội bê tráp thay cho lời cảm ơn.

7. Rước dâu về nhà trai

Khi cô dâu rời khỏi nhà mình để lên xe hoa, người dẫn đường sẽ là mẹ chồng, chú rể chỉ đi bên cạnh. Nếu có thể, cô dâu nên đưa theo một phù dâu đáng tin cậy đi cùng xe để hỗ trợ công việc. Người thân bên nhà gái sẽ đi theo trong những xe khác cùng cô dâu sang nhà chồng.

Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý: đoàn rước dâu khi về nhà trai phải có số chẵn. Vì vậy, cô dâu cần lên danh sách chi tiết số lượng người thân theo mình “sang sông” để đảm bảo được phong tục này.

8. Làm lễ tại nhà trai

Sang tới nhà trai, cô dâu – chú rể sẽ tới bàn thờ gia tiên làm lễ, nghi thức này diễn ra tương tự lúc ở nhà gái. Tiếp đó, mẹ chồng dắt cô dâu vào phòng tân hôn và làm thủ tục trải giường. Nhà trai có thể mời một số nam, nữ trong họ hàng cùng trải giường để chúc cặp uyên ương có “đủ nếp đủ tẻ”.

9. Tiệc sau lễ rước dâu

Nếu đủ điều kiện và muốn thể hiện sự chu đáo, nhà trai có thể đãi tiệc nhẹ để cảm ơn những người đã xuất hiện trong suốt buổi lễ rước dâu (đón dâu). Trong bữa tiệc này, cô dâu chú rể cần xuất hiện một lúc để tới từng bàn chào hỏi và mời rượu mọi người. Sau đó, cặp uyên ương có thể lui vào phòng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho tiệc cưới vào buổi tối.